Người mua có được tự làm Sổ hồng chung cư?
Căn cứ khoản 7 Điều 26 Luật Nhà ở 2014 và khoản 22 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, chủ đầu tư có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (Sổ hồng) thay cho người mua trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ.
Trường hợp người mua có đề nghị tự mình thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Sổ hồng thì chủ đầu tư phải cung cấp hồ sơ, giấy tờ để người mua thực hiện.
Tóm lại, người mua được tự làm Sổ hồng chung cư nếu có nhu cầu.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Sổ hồng chung cư
Căn cứ khoản 22 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án nhà ở có trách nhiệm nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận thay cho người nhận mua nhà hoặc cung cấp hồ sơ cho bên mua để tự đi đăng ký.
Hồ sơ gồm có:
– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.
– Hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định của pháp luật.
– Biên bản bàn giao căn hộ chung cư.
Ngoài ra, người đề nghị phải ghi tờ khai lệ phí trước bạ rồi nộp cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
3. Thủ tục làm Sổ hồng chung cư
Bước 1: Nộp hồ sơ
Chủ đầu tư hoặc người mua nhà nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (bộ phận một cửa).
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện những công việc sau:
– Kiểm tra giấy tờ pháp lý trong hồ sơ; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận vào đơn đăng ký.
– Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).
– Cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính (nếu có).
– Chuẩn bị hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.
– Yêu cầu chủ đầu tư dự án nộp Giấy chứng nhận quyền đã được cấp để chỉnh lý vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Bước 4: Trả kết quả
Thời gian giải quyết: Thời gian do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).
4. Phí làm Sổ hồng chung cư
Phí làm Sổ hồng chung cư gồm: Lệ phí trước bạ và lệ phí làm bìa sổ, cụ thể:
4.1. Lệ phí trước bạ
Căn cứ Điều 5 và khoản 1 Điều 7 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, lệ phí trước bạ phải nộp khi được cấp Sổ hồng chung cư được xác định theo công thức sau:
Lệ phí trước bạ = Giá tính lệ phí trước bạ x 0,5%
Trong đó, giá tính lệ phí trước trước bạ nhà chung cư mới được xác định như sau:
Giá tính lệ phí trước bạ = Diện tích căn hộ (m2) x Giá 01 mét vuông (đồng/m2)
4.2. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận (lệ phí làm bìa)
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (theo Thông tư 85/2019/TT-BTC). Nghĩa là, lệ phí cấp Giấy chứng nhận sẽ do Hội đồng nhân dân các tỉnh thành quyết định nên mức thu có thể không giống nhau.
Mặc dù mức thu không giống nhau nhưng trên thực tế các tỉnh thành đều thu từ 100.000 đồng trở xuống; chỉ có một số tỉnh thu 120.000 đồng.
5. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc cấp Sổ hồng
Trường hợp người mua tự mình thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận thì cần phải biết trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi hoàn thành công trình (thực hiện trước khi người mua làm thủ tục đề nghị cấp Sổ hồng).
Bước 1: Gửi giấy tờ cho Sở Tài nguyên và Môi trường
Theo khoản 22 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, sau khi hoàn thành công trình nhà chung cư, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường những giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận hoặc quyết định cho thuê đất, giao đất.
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án, nếu trường hợp có thay đổi nghĩa vụ tài chính thì phải nộp chứng từ chứng minh việc đã hoàn thiện nghĩa vụ tài chính đối với sự thay đổi đó (trừ khi thuộc trường hợp được miễn hoặc chậm nộp).
– Sơ đồ nhà, đất đã xây dựng là bản vẽ mặt bằng hoàn công hoặc bản vẽ thiết kế mặt bằng có kích thước các cạnh của từng căn hộ đã bán phù hợp với hiện trạng xây dựng và hợp đồng đã ký.
– Giấy phép xây dựng (nếu có).
– Thông báo của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho phép chủ đầu tư dự án nghiệm thu công trình hoặc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng theo quy định pháp luật xây dựng.
– Danh sách căn hộ, công trình xây dựng (có thông tin số hiệu căn hộ, diện tích đất, diện tích xây dựng và diện tích sử dụng chung, riêng của từng căn hộ; trường hợp nhà chung cư thì sơ đồ phải thể hiện phạm vi (diện tích, kích thước) phần đất sử dụng chung của các chủ căn hộ, mặt bằng xây dựng nhà chung cư, mặt bằng từng tầng, từng căn hộ).
– Báo cáo kết quả thực hiện dự án.
Bước 2: Kiểm tra hiện trạng, điều kiện chuyển nhượng, mua bán
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra:
– Hiện trạng sử dụng đất, nhà ở, công trình đã xây dựng.
– Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, điều kiện bán nhà ở, công trình xây dựng khác của chủ đầu tư dự án.
Bước 3: Gửi và công bố kết quả kiểm tra
Sau khi kiểm tra xong thì Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công việc sau:
– Gửi thông báo kết quả kiểm tra cho chủ đầu tư.
– Gửi thông báo kết quả kiểm tra kèm theo sơ đồ nhà, đất cho Văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục đăng ký nhà đất cho bên mua đối với trường hợp đủ điều kiện.
– Đăng công khai kết quả kiểm tra trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất.